Công nghiệp phụ trợ là khái niệm chỉ toàn bộ những sản phẩm công nghiệp có vai trò hỗ trợ cho việc sản xuất các thành phẩm chính. Cụ thể là những linh kiện, phụ liệu, phụ tùng, sản phẩm bao bì, nguyên liệu để sơn, sửa, v.v… và cũng có thể bao gồm cả những sản phẩm trung gian, những nguyên liệu sơ chế.
Nếu kể các sản phẩm tương tự thì phạm vi sẽ rất rộng nhưng nếu thêm một đặc tính nữa sẽ thấy phạm vi rõ ràng hơn: Sản phẩm công nghiệp phụ trợ thường được sản xuất với qui mô nhỏ, thực hiện bởi các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Do đó, trong ngành xe hơi, công nghiệp phụ trợ là là sản xuất mọi loại chi tiết của cái xe, sản phẩm có thể lắp thành một ôtô hoàn chỉnh.
Tuy nhiên, tuỳ khái niệm mà một số quốc gia xem các bộ phận như đầu máy xe, thân xe, bánh xe… thường không được kể là công nghiệp phụ trợ vì chủ yếu do các công ty lớn sản xuất với qui mô lớn. Trong ngành này, công nghiệp phụ trợ là những linh kiện, những phụ liệu ở cấp thấp hơn được cung cấp để sản xuất ra đầu máy xe, thân xe…
Phân loại
Có thể phân chia lĩnh vực công nghiệp phụ trợ ô tô thành 4 nhóm lớn như sau:
– Công nghiệp phụ trợ cung cấp máy móc công cụ và trang thiết bị cho ngành công nghiệp chính, bao gồm công nghiệp lắp ráp, sản xuất và chế tạo…
– Công nghiệp phụ trợ cho công nghiệp sản xuất cung cấp nguyên phụ liệu như kim loại, nhựa, sơn, … Các ngành công nghiệp phụ trợ này không đòi hỏi nhân lực có kĩ năng cao, sản xuất ít loại nguyên liệu và không tác động lớn đến sản phẩm.
– Công nghiệp phụ trợ cho công nghiệp lắp ráp cung cấp linh kiện, phụ tùng, phụ kiện, cho công nghiệp lắp ráp
– Công nghiệp phụ trợ cho các dịch vụ bảo trì bảo dưỡng sau bán hàng như phụ tùng, trang thiết bị, phụ gia, ga lạnh…
Các ngành công nghiệp hỗ trợ này đòi hỏi lao động có kĩ năng cao hơn, sản phẩm chủ yếu là các linh kiện kim loại, nhựa cao su, yêu cầu đáp ứng với các tiêu chuẩn chung và có ảnh hướng lớn đến chất lượng sản phẩm (Kenichi Ohno, 2007)
Vai trò
Ngoài hiệu quả tạo nhiều công ăn việc làm, thu hút lao động dư thừa, công nghiệp phụ trợ đóng vai trò rất quan trọng trong việc tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp chính và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá theo hướng vừa mở rộng (broadening) vừa thâm sâu (deepening).
.